Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Dù là dòng sản phẩm cao cấp như bếp từ dành cho nhà bếp cũng có thể phát sinh lỗi. Có 4 lỗi chính thường gặp khi dùng bếp từ và cách giải quyết như sau:


Mã báo lỗi E3

Khi gặp mã báo lỗi này, bạn cần phải tắt bếp trước. Sau đó, kiểm tra xem cầu chì hoặc bộ ngắt mạch trong nhà có gặp vấn đề gì không. Thông thường, mã báo lỗi này xuất hiện khi hệ thống điện trong nhà bị quá tải. Do đó, bạn cần thay thế cầu chì và bộ phận ngắt mạch nếu cần thiết.

Bạn cũng cần phải để cho bếp hạ nhiệt ít nhất 10 phút trước khi bật bếp tiếp tục nấu.


Mã báo lỗi E2

Với mã báo lỗi này, bạn cần hiểu là nồi hoặc chảo của bạn đã đặt trên bếp một lúc mà bên trong nồi trống không. Do vậy, hãy bỏ thức ăn vào nồi nếu trong nồi không có thức ăn.

Nếu mã báo lỗi này vẫn không biến mất khi nồi có thức ăn rồi thì bạn cần phải tắt bếp và để bếp hạ nhiệt trong ít nhất 10 phút. Sau đó, bật bếp và đặt nồi trở lại để tiếp tục quá trình nấu ăn đang bị dở dang.


Mã báo lỗi E1

Khi gặp mã báo lỗi E1 – có nghĩa là bếp quá nóng - việc cần làm đầu tiên là tắt bếp. Sau đó, nhấc nồi ra khỏi bếp rồi kiểm tra xem có khe thông gió nào bị bít kín không (nếu có thì hãy bỏ chặn khe thông gió). Để cho bếp nguội chừng ít nhất 10 phút trước khi đặt nồi lên bếp và tiếp tục bật bếp để nấu.


Mã báo lỗi E0

Khi màn hình điện tử trên mặt bếp hiển thị mã E0 có nghĩa là bếp đã bật nhưng không có dụng cụ nấu hoặc dụng cụ nấu không phù hợp. Do đó, trong trường hợp này, bạn hãy mau đặt nồi, chảo lên bếp và nấu. 

Nếu như đặt nồi lên rồi, bếp vẫn hiển thị mã E0 thì bạn thử kiểm tra nồi xem có phù hợp dùng với bếp từ hay không bằng cách cầm một mẩu nam châm đặt gần nồi. Nếu nam châm không dính vào nồi thì có nghĩa nồi đó không sử dụng được với bếp từ.


Lưu ý: thông thường mã báo lỗi bếp từ bắt đầu với chữ cái "E", nhưng một số thương hiệu bếp từ sử dụng mã báo lỗi với chữ cái "F" và chữ số đi kèm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét